Ngụ ngôn Aesop là tập truyện ngụ ngôn được cho là do Aesop, một nhà văn Hy Lạp cổ đại sáng tác. Aesop đã được xem là tác giả của rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trên thế giới và đã được truyền miệng và được sưu tập qua nhiều thế kỷ và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau theo truyền thống kể chuyện vẫn tiếp tục đến ngày nay. Trong những câu chuyện này, động vật có thể trò chuyện và có tính cách con người, chẳng hạn như Thỏ và rùa, Kiến và châu chấu. Đây là một kho tàng truyện ngụ ngôn đồ sộ cả về mặt số lượng lẫn giá trị.
Với đa số nhân vật là những con vật đã được nhân cách hóa, truyện ngụ ngôn Aesop hàm chứa những thông điệp sâu sắc mà giản dị, được chuyển tải đến người đọc bằng giọng văn nhẹ nhàng, hóm hỉnh.
Cuối một số chuyện còn là những thông điệp ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa nhằm nhắn nhủ bạn đọc những chân lý giản dị trong cuộc sống. Trong quá trình lưu truyền đó, một số truyện đã bị mất đi nhưng cũng có một số truyện được thêm vào từ các nền văn hóa khác nhau, thể hiện sự ngưỡng mộ của nhân loại đối với trí tuệ sâu sắc của ông.
Ngụ ngôn Aesop đã được trích dẫn bởi Socrates, Aristophanes và các nhân vật nổi tiếng khác, Aesop được người Hy Lạp kính trọng, dù ông có xuất thân nô lệ. “Người xưa vốn sống gần gũi với thiên nhiên, vì vậy, lẽ đương nhiên họ nghĩ ra những câu chuyện miêu tả các cuộc phiêu lưu tưởng tượng của loài muông thú, nhân hóa chúng để nói lên suy nghĩ, triết lý con người. Nhân vật trong truyện ngụ ngôn được sáng tạo để dạy một bài học về luân lý hoặc sự khôn ngoan.
Phương pháp truyện ngụ ngôn dùng để dạy cách xử thế khôn ngoan rất cô đọng, ngắn, gọn và có hiệu quả. Một truyện ngụ ngôn hay được toát lên trong chính cách kể của nó. Nó làm cho trí tưởng tượng của người đọc hoạt động và tự rút ra những kết luận cho riêng mình.” “Vì truyện ngụ ngôn là một thể loại văn học quần chúng, nên tất nhiên nó phản ánh tư tưởng của người dân bình thường về cuộc sống. Nó không có liên quan gì nhiều đến lý tưởng của đạo đức hoặc sự tìm kiếm cái hoàn hảo của các nhà triết học lớn thời cổ đại.
Đạo đức mà những nhà ngụ ngôn muốn nhắn gửi chủ yếu là đạo đức xã hội, những cái làm cho cuộc sống dễ chịu hơn, ví như sự trung thành, lòng biết ơn, tính điều độ, sự nhường nhịn, sự cần kiệm v.v… Đôi khi những bài học của ngụ ngôn cho ta không phải là những bài học luân lý mà chỉ là những lời khuyên khôn ngoan dựa trên sự quan sát hành vi của người đời.”