Gia lễ chỉ nam tổng hợp nghi thức trong phong tục cổ truyền gia lễ (tức tục tang lễ, ma chay của người Việt Nam), dẫn giải rõ ràng về cách áp dụng ngày giờ cũng như những điểm xung hợp liên quan đến kẻ sống và người khuất theo quan niệm của người xưa, những thể thức, kể từ giờ phút người bệnh biến sắc diện bước sang thời kỳ hấp hối rồi lìa đời… Ngoài ra còn có các bài cúng, khấn trong lúc hành lễ để người đọc tham khảo. Bên cạnh đó còn đưa ra những điều nên bỏ hoặc thay đổi trong tập tục mai táng truyền thống không còn phù hợp với trình độ xã hội, gây phiền phức rườm rà. Phần sau cuốn sách đề cập đến các nghi thức trong hôn lễ truyền thống và các lễ cần thực hiện từ lúc hai gia đình đến chào hỏi đến ngày tổ chức lễ cưới. Phần cuối đưa ra chỉ dẫn cách ghi chép gia phả.
TRÍCH ĐOẠN HAY
1 - Quyển Gia lễ này bỉ nhân chia làm hai thiên: Thiên thứ nhất: Tổng thuật các cách chế lễ của cổ nhân. Thiên thứ hai: Dự nghĩ mấy điều nên thay đổi thuộc về tang lễ. Bỉ nhân sở dĩ chia như thế là có ý muốn cho quốc dân ta ai cũng biết cái nguồn gốc cổ lễ; lại muốn cho quốc dân ta ai cũng không nên cố chấp cổ lễ vậy.
2 - Quyển gia lễ về thiên thứ nhất, bỉ nhân do ở mấy quyển Chu văn công gia lễ, Tang lễ tiểu ký, Thọ mai gia lễ, Vạn hộc minh châu, Vân lâm gia lễ và Thông lễ mà lựa chọn biên dịch ra. Đem mà so sánh với từng quyển thời hình như không đúng, nếu so với tất cả bấy nhiêu quyển thời vẫn toàn là nguyên ý của cổ nhân vậy.
3 - Phong tục mỗi ngày mỗi khác, thời lễ nghi tất cũng phải tùy theo phong tục mà đổi thay. Bởi thế bỉ nhân có những điều dự nghĩ, ở thiên thứ hai, là ý muốn cho hợp với phong tục đời này vậy.
4 - Lễ tiết của cổ nhân tuy phiền, mà “lễ ý” của cổ nhân thời rất hay, rất phải, dù cho đến muôn đời cũng không sao đổi được, vậy tuy có những điều dự nghĩ ở thiên thứ hai mà vẫn phải lấy thiên thứ nhất làm gốc.
5 - Thiên thứ nhất tuy là dịch thuật của cổ nhân, nhưng những điều nào không hợp với phong tục ngày nay, thời xuống dưới bỉ nhân đều có câu bàn cho người xem dễ hiểu. Ở những lời bàn hoặc có lộ ý gì chê bai bài bác, là bỉ nhân đối với phong tục mà nói, chứ thật không có ý gì bài bác cổ nhân, mong rằng duyệt giả chư tôn cũng đừng trách bỉ nhân là “ẩm thủy vong nguyên” vậy.