Tác phẩm gồm trên 60 truyện thơ với văn phong dí dỏm và hàm súc đa nghĩa. Thơ ngụ ngôn của La Fontaine tiêu biểu cho bút pháp nhẹ nhàng linh hoạt, uyên bác, hài hước, và cũng mơ mộng, phóng túng.
Thơ của ông mang tính chất dân tộc sâu sắc, là biểu tượng của nền văn hóa Pháp. Chính cuộc sống chan hòa với thiên nhiên, gần gũi với người dân thường đã khiến cho thơ văn của ông giàu tính dân gian, giàu chất thơ của cuộc sống và sự thực tinh tế, sinh động. Khi ông miêu tả thiên nhiên hay viết về các loài thú, loài cây, về con cáo, chùm nho, con cừu, cây bắp cải cũng như thể hiện lòng nhân ái bao la của ông đối với người nghèo. Ông có kiến thức uyên bác về cả thiên nhiên và xã hội, giao thiệp rộng rãi với giới tri thức tự do, sống phóng túng, không thích gần gũi cung đình như nhiều nhà văn Cổ điển khác. La Fontaine có nhiều bài thơ nổi tiếng: Ve và Kiến, Quạ và cáo, Chó sói và cừu non, Thần chết và lão tiều phu, Con cáo và chùm nho, Gà trống và cáo, Ông già và các con, Gà mái đẻ trứng vàng, Thỏ và rùa, Chó thả mồi bắt bóng, Đám ma sư tử, Hội đồng chuột,... Chúng phản ánh chân thực những mặt trái và tình huống của xã hội thời bấy giờ.. Xã hội loài vật trong ngụ ngôn tượng trưng cho xã hội Pháp thời đại La Fontaine sống, với các cung bậc, tầng lớp, những mâu thuẫn bộc lộ bản chất của xã hội đó: từ những người thấp cổ bé họng đến những vị quyền cao chức trọng.
TRÍCH ĐOẠN HAY
“Tập dịch văn này tôi làm ra kể đã lâu năm lắm rồi, khi còn ít tuổi, chưa làm văn vần bao giờ, mà đọc qua thơ La Fontaine cũng phải cảm hứng, chấp chảnh nên vần, tuy lắm câu văn còn lấc cấc lắm, nhưng các bạn độc giả, cũng nhiều ông xét quá rộng cho là dụng công dịch lấy đúng. Đúng đây là đúng cái tinh thần, chứ không có nề gì những chữ hổ đổi làm sư tử, cái gậy đổi ra con chó, khiến cho những người thắc mắc được một cuộc vui, ngồi soi bói từng câu từng chữ, mà kể được ra có ba, bốn chỗ dịch lầm. Những chỗ sai lầm đó, trong bản in này cũng xin cứ để nguyên không dám chữa. Lại in thêm cả nguyên văn tiếng Pháp ra cho ai nấy có thể khảo xét.” “Xem La Fontaine - Thơ ngụ ngôn ta thấy hết sức thú vị. Chẳng hạn, với bài “Anh chàng đứng tuổi với hai chị nhân ngãi” - họa sĩ Mạnh Quỳnh vẽ người đàn ông khăn đóng, tay cầm ô; còn phụ nữ thì chít khăn mỏ quạ, tay cầm quạt.
Ở bài “Truyện cô hàng sữa”, ông vẽ nhân vật chính là cô Perrette giống hệt hình ảnh cô gái quê đầu thế kỷ XX v.v... Biết được điều này, hẳn La Fontaine rất hài lòng, bởi lẽ, ngụ ngôn của ông đã đạt đến tính phổ biến của nhân loại, thì mỗi nơi có một cách tiếp cận riêng với từng nhân vật ấy là lẽ tất nhiên. Thông điệp trong ngụ ngôn này là “Không bao giờ bán da con gấu khi chưa hạ được nó” hoặc “Chạy chẳng lợi ích gì, mà phải biết khởi hành đúng lúc”, “Nghi ngờ là mẹ của an toàn”, “Bụng đói thì không có tai” v.v…thì đâu chỉ dân tộc Pháp mới cảm nhận như vậy, mà ở Việt Nam cũng thế thôi. Đặc biệt, loài vật của La Fontaine hiện ra dưới nét vẽ của Mạnh Quỳnh thật ngộ nghĩnh. Ngay cả con vật dữ tợn như sư tử, sói… cũng đều biết cười ! Và trông nét mặt chúng đáng yêu làm sao!”