Picasso thường được biết đến như một thiên tài, một bậc thầy sáng tạo của thế kỷ 20 vì tên tuổi ông gắn liền với sự ra đời của trường phái Lập thể – bước chuyển đột phá trong dòng chảy nghệ thuật nói chung và Nghệ thuật Hiện đại nói riêng. Chủ nghĩa Lập thể phá vỡ nguyên tắc tạo hình truyền thống của hội họa từ hàng thế kỷ trước, khiến những hình khối, mảnh ghép và góc cạnh của đối tượng được trưng bày dưới lăng kính không-thời gian trên mặt phẳng tranh, mà bức tranh Những cô nàng ở Avignon đầy táo bạo đã đánh dấu thời khắc ấy.
Người ta thường biết đến một Picasso đầy tài năng và có phần kiêu ngạo – người hiểu rõ sức mạnh nghệ thuật và sự quyến rũ của bản thân; nhưng có lẽ ít ai hiểu rõ những khía cạnh nhạy cảm, phức tạp, những góc tối ẩn giấu sâu trong tâm hồn ông. Để đến được với Những cô nàng ở Avignon, cuốn sách dẫn ta quay ngược thời gian khám phá cuộc sống luôn nằm giữa hai thái cực và những mâu thuẫn của người họa sĩ – tuổi thơ bao bọc bên gia đình nhưng trưởng thành sớm vì áp lực; đời sống lãng tử thỏa mãn tinh thần mà túng thiếu về vật chất; luôn quan sát ít nói nhưng ánh mắt toát ra năng lượng thu hút lôi cuốn; tình bạn song hành với sự cạnh tranh cùng những tài năng đương thời; thờ ơ trước danh tiếng nhưng luôn tin sứ mệnh của mình là người dẫn đầu làn sóng Tiên phong; sức kiến tạo tột bậc bung ra khi lật đổ và hủy diệt các quy tắc nền tảng – rồi từ đó trả lời được câu hỏi rằng liệu sự thỏa hiệp của một thiên tài – liệu một Picasso khác – có mang lại điều gì sửng sốt hay không?
TRÍCH ĐOẠN HAY
Chương 1: “Khi còn trẻ, ông đã đi bộ khắp Paris với đôi giày thủng mà ông không có đủ tiền để sửa, để sự náo nhiệt của thành phố sôi động nuôi dưỡng cảm hứng cho mình. Đi bộ không chỉ là phương sách cuối cùng của người thanh niên nghèo; nó còn là một phương thức giúp ông nhận biết và thấu hiểu, một dạng nhận thức luận. Nó mang đến cho nghệ thuật của ông những kết cấu và chất liệu thiết yếu.” “Ông nhận ra, quá khứ sẽ mãi nằm ngoài tầm với, ngay phía bên kia cái rào cản không thể nào vượt qua. Sống, đồng nghĩa với việc phải lắng nghe tiếng những cánh cửa đóng sầm lại, những hành lang tối đồng vọng niềm luyến tiếc về những lựa chọn không bao giờ có thể làm lại được; mũi tên thời gian chỉ quay về một hướng duy nhất, và khả năng của trí nhớ để xoay ngược dòng chảy chỉ là điều huyễn hoặc.” “Sắp đặt cuộc chạm trán giữa người tình trẻ với nỗi bất hạnh tàn tạ của một người phụ nữ chính là cách tiếp cận cuộc sống và nghệ thuật rất đặc trưng của Picasso, cả hai đều được nhào nặn từ chính những ám ảnh của ông. Tình dục và cái chết – Eros và Thanatos của Freud – cái đẹp và cái gớm ghiếc: những thế lực đối nghịch này, bị ràng buộc với nhau, chính là những nhân tố tạo thành thế giới của chúng ta.” “[...] mặc dù Pablo đã được tán tụng từ ít nhất là 30 năm trước khi gặp tôi, ông ấy vẫn là người đàn ông cô độc nhất trong thế giới nội tâm của mình, thế giới đã ngăn cách ông khỏi đội quân hùng hậu những người mến mộ và những kẻ xu nịnh vây quanh. ‘Dĩ nhiên là người ta thích tôi; thậm chí họ còn yêu mến tôi,’ ông phàn nàn vào một buổi chiều khi tôi cố gắng gỡ bỏ nỗi bi quan mà tôi thấy đang nhấn chìm ông ấy khi tôi đến. ‘Nhưng cũng giống như cách họ thích gà mà thôi. Bởi vì tôi nuôi dưỡng bọn họ. Nhưng ai nuôi dưỡng tôi?’” “Picasso, dù trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ không để lãng phí sự chán nản của mình. Nghệ thuật của ông lớn lên từ nỗi thất vọng. Theo sau sầu muộn luôn là cơn cuồng nộ dữ dội khi ông quay về xưởng vẽ, và ông sẽ đánh bật những con quỷ bên trong linh hồn mình bằng cách nhạo báng chúng, khiến chúng nhảy nhót như những linh hồn cuồng loạn khi ông vung cọ vẽ. Nếu nghệ thuật của ông được dẫn lối bởi năng lượng tăm tối, thì dù thế nào nó cũng là một dạng năng lượng, và ông dựa vào lực đẩy của nó để kích hoạt óc sáng tạo của mình.”