Nguyên Lý Marketing Cuốn sách có thể được xem như là giáo trình kinh điển dành cho bất cứ ai muốn nghiên cứu lĩnh vực marketing, bởi nó chứa bên trong gần như tất cả những gì bạn cần biết về marketing – từ định nghĩa, lý luận, các nguyên tắc, cho đến ứng dụng, ví dụ thực tế. Sách cũng không ngừng được chỉnh sửa, tái biên soạn, cập nhật thêm thông tin, trường hợp nghiên cứu mới cho phù hợp với tình hình kinh tế không ngừng thay đổi. Ngoài các khái niệm cốt lõi của lĩnh vực marketing được tổng kết qua thời gian, hai tác giả Philip Kotler và Gary Armstrong tập trung vào phân tích công việc marketing trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện nay. Cuốn sách trình bày thông tin marketing nền tảng theo một hình thức sáng tạo và dễ hiểu, đầy đủ những dẫn chứng, minh họa được lấy từ thực tiễn sống động của thương trường. Sau mỗi chương sách đều có phần tóm tắt rất cô đọng, giúp người đọc củng cố lại kiến thức tiếp thu được trong chương đó.
Đồng thời, sách cũng có phần thảo luận và ứng dụng nhằm mở rộng hiểu biết của độc giả về lĩnh vực này. 20 chương của cuốn sách là một bộ khung toàn diện với những kiến thức vô cùng đầy đủ, chi tiết cho bất cứ ai muốn có cái nhìn tổng quan về ngành marketing. Sách rất nhiều lí thuyết nhưng được trình bày dưới bàn tay và khối óc của ông vua marketing nên cũng giống như một sản phẩm giá trị. Đi kèm với lí thuyết luôn là những ví dụ minh họa sinh động, dễ hiểu và đa góc cạnh nên người đọc không hề thấy nhàm chán.
MỘT SỐ TRÍCH ĐOẠN NỔI BẬT
Nói về khái niệm marketing: “Ngày nay, không nên hiểu marketing theo định nghĩa cũ là thực hiện một thương vụ bán hàng – “chào hàng và bán hàng”, mà theo một cách hiểu mới, nó chính là thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Nếu nhà marketing thu hút người tiêu dùng hiệu quả, hiểu nhu cầu của họ, phát triển các sản phẩm mang lại giá trị vượt trội và có ưu thế về giá, phân phối và quảng bá sản phẩm tốt, sản phẩm sẽ được bán dễ dàng." Nói về môi trường marketing: "Môi trường marketing của một doanh nghiệp bao gồm các yếu tố và áp lực bên ngoài tác động đến khả năng xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng mục tiêu. Cũng giống như Kellogg, các doanh nghiệp phải liên tục quan sát và thích nghi với môi trường luôn thay đổi – hoặc trong nhiều trường hợp là dẫn dắt những thay đổi đó. Hơn tất cả các bộ phận khác trong doanh nghiệp, những người làm marketing phải là những người chuyên theo dõi xu hướng của môi trường. Mặc dù mỗi nhà quản lý trong doanh nghiệp đều cần phải quan sát môi trường bên ngoài, song người làm marketing cần phải có hai khả năng đặc biệt. Họ phải rèn luyện các phương pháp – nghiên cứu marketing và thu thập thông tin marketing – để thu thập thông tin và thấu hiểu môi trường marketing. Họ cũng phải dành nhiều thời gian hơn để hiểu môi trường của khách hàng và đối thủ cạnh tranh. Bằng việc nghiên cứu kỹ lưỡng môi trường, người làm marketing có thể lập các chiến lược phù hợp với các cơ hội và thách thức của thị trường mới” Nói về cách thức doanh nghiệp tìm kiếm và phát triển ý tưởng sản phẩm mới: "Có lẽ những nguồn ý tưởng sản phẩm quan trọng nhất chính là khách hàng. Các doanh nghiệp quan sát khách hàng, mời họ gửi ý tưởng và đề xuất, thậm chí mời họ tham gia quá trình phát triển sản phẩm mới. Nhiều doanh nghiệp hiện đang phát triển các chương trình nguồn lực cộng đồng hoặc đổi mới ý tưởng mở rộng nhằm kêu gọi cộng đồng rộng lớn gồm khách hàng, nhân viên, nhà khoa học và nhà nghiên cứu độc lập, thậm chí công chúng vào quá trình đổi mới sản phẩm." Nói về vai trò của đạo đức trong marketing: "Mỗi công ty và giám đốc marketing phải xây dựng triết lý về hành vi đạo đức và trách nhiệm xã hội. Theo khái niệm marketing bền vững, các nhà quản lý phải nhìn xa hơn những gì hợp pháp và được phép; đồng thời phát triển các tiêu chuẩn dựa trên sự chính trực cá nhân, lương tâm công ty và phúc lợi tiêu dùng lâu dài.”