Làm thế nào một dây chuyền sản xuất ô-tô có thể áp dụng vào ngành chăm sóc sức khỏe? Đó là một thách thức rất lớn đặt ra khi Trung tâm y tế Virginia Mason tiến hành cải tiến theo phương thức tinh gọn Toyota. Hơn nữa, văn hóa đặt trọng tâm vào bác sĩ đã ăn sâu vào tổ chức khiến việc chuyển trọng tâm vào bệnh nhân vấp phải không ít sự phản đối. Đối mặt với muôn vàn khó khăn, bác sĩ Gary Kaplan và đội ngũ của ông vẫn kiên quyết đi theo con đường cải tiến, vì nếu không thay đổi họ sẽ sụp đổ trước gánh nặng tài chính và sai sót y khoa. Một quyết định táo bạo nhưng lại đầy tính tiên phong. Với tinh thần không ngừng học hỏi và trong bất kỳ trường hợp nào vẫn luôn lấy tiêu chí đặt bệnh nhân lên hàng đầu làm kim chỉ nam, Virginia Mason đã thành công trong việc chuyển đổi hệ thống, giảm thiểu sự lãng phí và trở thành cơ sở có chất lượng chăm sóc bệnh nhân tốt nhất. Hành trình học hỏi tại Nhật Bản, những thách thức mà Virginia Mason phải đối mặt khi áp dụng phương pháp tinh gọn, các bước cải tiến quy trình, chuẩn hóa công việc, xây dựng hệ thống Cảnh báo An toàn Bệnh nhân… sẽ lần lượt được thuật lại trong Mô hình lấy bệnh nhân làm trung tâm. Đây là cuốn sách thiết thực và truyền cảm hứng cho bất kỳ tổ chức nào đang trên đường đổi mới. Tác giả: Charles Kenney là cựu phóng viên và biên tập viên của tờ Boston Globe. Ông từng làm việc cho Viện Cải thiện Chăm sóc Y tế Diễn đàn Quốc gia về Nâng cao Chất lượng Chăm sóc Y tế. Ngoài Mô hình lấy bệnh nhân làm trung tâm, ông còn là tác giả của cuốn Phương pháp thực hành tốt nhất: Phong trào chất lượng mới đang làm thay đổi ngành y tế như thế nào (tựa gốc: The Best Practice: How the New Quality Movement Is Transforming Medicine). Cuốn sách được tờ New York Times mô tả là “dấu ấn lịch sử có quy mô lớn đầu tiên của phong trào chất lượng”.