Các bậc phụ huynh ngày nay thường tự mình gánh quá nhiều trách nhiệm, luôn giám sát tốc độ trưởng thành của trẻ mọi nơi mọi lúc, luôn sợ bỏ quên thứ gì đó. Câu khẩu hiệu “Đừng để con bạn thua ở vạch xuất phát” càng khiến cho họ vội vã, lúc nào cũng sợ con mình bị tụt lại, trở thành kẻ thua cuộc trong xã hội. Lúc này điều quan trọng nhất là chúng ta cần bình tĩnh, để cho nhịp độ bản thân chậm lại, chú tâm cảm nhận sự trưởng thành của con cái, bên cạnh đó, việc dám áp dụng những quy tắc trái với lẽ thường – những điều bị coi là “ngốc nghếch” trong con mắt của xã hội lại có thể phát huy hiệu quả và mang tới nhiều sự gợi mở. “Ngốc nghếch” không phải là khờ dại, mà là nuôi con có phương pháp. “Ngốc nghếch” không phải là buông xuôi, mà là “mềm nắn rắn buông”.
Sự “ngốc nghếch” đối với tác giả là như sau: Cái ngốc thứ nhất: Làm gì cũng cần chậm lại một nhịp, để cho con có cơ hội được phát huy khả năng của bản thân trước. Cái ngốc thứ hai: Dạy con không so đo tính toán, khoan dung độ lượng. Cái ngốc thứ ba: Dạy con biết nhường nhịn, lễ phép, khiêm tốn. Cái ngốc thứ tư: Dạy con bớt sân si, làm việc bằng cả trái tim. Cái ngốc thứ năm: Rèn luyện tinh thần tự chịu trách nhiệm, dám chịu thiệt thòi. Cái ngốc thứ sáu: Bồi dưỡng cho con sự lương thiện, giúp đỡ người khác. Cái ngốc thứ bảy: Kiên định tuân thủ nguyên tắc; vui vẻ, giàu lòng trắc ẩn. Cái ngốc thứ tám: Không so bì, tự biết tìm niềm vui, luôn hiếu kỳ với thế giới xung quanh.